Pages - Menu

Tuesday, February 28, 2023

Thứ Tư I Mùa Chay – Năm A –1-3-2023

Thu Tu I MC

Giô-na 3:1-10

1Có lời Đức Chúa phán với ông Giô-na rằng: 2“Hãy đứng dậy, đi đến Ni-ni-vê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo Ta sẽ truyền cho ngươi.” 3 Ông Giô-na đứng dậy và đi Ni-ni-vê, như lời Đức Chúa phán.  Ni-ni-vê là một thành phố cực kỳ rộng lớn, đi ngang qua phải mất ba ngày đường. 4 Ông Giô-na bắt đầu vào thành, đi một ngày đường và công bố: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá đổ.” 5 Dân Ni-ni-vê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ. 6 Tin báo đến cho vua Ni-ni-vê; vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro. 7 Vua cho rao tại Ni-ni-vê: “Do sắc chỉ của đức vua và các quan đại thần, người và súc vật, bò bê và chiên dê không được nếm bất cứ cái gì, không được ăn cỏ, không được uống nước. 8 Người và súc vật phải khoác áo vải thô và hết sức kêu cầu Thiên Chúa.  Mỗi người phải trở lại, bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình. 9 Biết đâu Thiên Chúa chẳng nghĩ lại, chẳng bỏ ý định giáng phạt, và nguôi cơn thịnh nộ, khiến chúng ta khỏi phải chết.” 10 Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Người hối tiếc về tai hoạ Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, và đã không giáng xuống nữa.

(Trích Sách Giô-na, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay tôi cùng Giáo hội suy niệm và cầu nguyện một phần của Sách Tiên tri Giô-na, một tập sách rất ngắn, bao gồm bốn chương, viết ra vào khoảng thế kỷ 6, TCN.  Toàn bộ tập Sách kể về cuộc phưu lưu của Tiên tri Giô-na được Chúa sai đi rao giảng về sự sám hối cho dân thành Ni-ni-vê, thủ đô của nước Át-sua, một đất nước vốn là kẻ thù truyền kiếp đối với dân tộc của ông, Ít-ra-en.  Tập sách có kiểu viết rất phóng đại, như: cả thành phố chỉ rộng bằng ba ngày đàng đi bộ, cả người lẫn thú vật đều ăn chay và khoác vải thô tỏ lòng sám hối, cùng những tình tiết rất hoang đường, như: cá voi nuốt Giô-na vào bụng ba ngày, sau đó nhả ông ra trên bờ, thế mà ông vẫn sống, và phải tiếp tục đi rao giảng lời sám hối, điều mà ông chẳng muốn tí nào!  Những ngôn từ phóng đại và tình tiết đầy hoang đường này chứng tỏ, đây là tập Sách ngụ ngôn, chứ không phải là một tập sách lịch sử.  Tác giả đã dùng những hình ảnh rất khôi hài để nói về những điều quan trọng trong tâm hồn của mỗi người.  Trong toàn bộ tập Sách, Thiên Chúa đóng vai là nhân vật chính, chờ đợi sự sám hối của tất cả mọi người, những người có niềm tin cũng như những người không có niềm tin.  Tôi có thể thấy, toàn bộ tập Sách là một bức tranh đầy những nét vẽ rất mạnh, rất tương phản giữa những thủy thủ, dân thành Ni-ni-vê, súc vật, cây thầu dầu và Tiên tri Giô-na.  Dân thành Ni-ni-vê và súc vật, dù là dân ngoại, ấy thế mà, sau khi nghe lời giảng của Giô-na, tất cả đã sám hối, sửa đổi đời sống; trong khi đó, Tiên tri Giô-na, một con người có niềm tin, ấy thế mà, từ đầu câu chuyện cho đến cuối câu chuyện, ông đã luôn luôn là người chống đối, kỳ nèo với Thiên Chúa.  Thậm chí, đến những dòng cuối của câu chuyện, Thiên Chúa vẫn phải chờ, nhưng vẫn chưa nghe được câu trả lời của Giô-na: "Ngươi, ngươi thương hại cây thầu dầu mà ngươi đã không vất vả vì nó, và không làm cho nó lớn lên; trong một đêm nó đã sinh ra, rồi trong một đêm lại chết đi.  Còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương hại Ni-ni-vê, thành phố lớn, trong đó có hơn một trăm hai mươi ngàn người không phân biệt được bên phải với bên trái, và lại có rất nhiều thú vật hay sao?"

2.     Bài đọc hôm nay là một trích đoạn trong sách Giô-na, sau khi con cá đã nhả Giô-na trên bờ biển, Thiên Chúa vẫn đòi ông phải đi rao giảng cho dân thành Ni-ni-vê, và bài đọc hôm nay là những lời ông rao giảng.  Dù miễn cưỡng phải rao giảng và Giô-na cũng chẳng tin gì vào những lời ông rao giảng, ấy thế mà dân Ni-ni-vê, từ nhà vua đến thường dân, từ con người đến súc vật đều tỏ lòng sám hối!  Tất cả đã sám hối đến kinh ngạc!  Hình ảnh sám hối của dân thành Ni-ni-vê nói gì với tôi trong Mùa Chay này?  Tôi muốn trở về cùng Chúa không?  Cuối cùng, hình ảnh cứng đầu và tâm hẹp hòi của Giô-na cũng chỉ là biểu tượng để nói về dân Ít-ra-en và tất cả những người có niềm tin vào Thiên Chúa.  Tôi có thấy tôi giống Giô-na, dù tin vào Thiên Chúa, nhưng đôi khi lại không muốn làm những gì Chúa mời gọi?  Chẳng hạn, tôi có dám xin Chúa tha thứ cho những người tôi khó ưa, những người đã từng hãm hại tôi, những người làm phiền tôi ngày đêm?  Nếu kẻ thù của tôi cũng được Chúa chúc phúc, tha thứ và đón nhận họ vào thiên đàng chung với tôi, tôi hài lòng không?  Tôi muốn vào thiên đàng với họ không, hay tôi chối từ?  Liệu Chúa có đang chờ câu trả lời của tôi như đã chờ câu trả lời của Giô-na?  Tôi đọc lại câu hỏi của Chúa và tôi trả lời với Ngài: "Ngươi, ngươi thương hại cây thầu dầu mà ngươi đã không vất vả vì nó, và không làm cho nó lớn lên; trong một đêm nó đã sinh ra, rồi trong một đêm lại chết đi.  Còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương hại Ni-ni-vê, thành phố lớn, trong đó có hơn một trăm hai mươi ngàn người không phân biệt được bên phải với bên trái, và lại có rất nhiều thú vật hay sao?"

Phạm Đức Hạnh, SJ

No comments:

Post a Comment