Luca 9:22-25
22Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Con Người phải chịu đau khổ
nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ
ba sẽ trỗi dậy.” 23 Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn
theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. 24 Quả
vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì
tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. 25 Vì người nào được cả
thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?”
(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Bài đọc hôm nay có thể
được tóm lược trong hai chữ: “từ bỏ.” Trước khi Chúa Giêsu mời gọi mọi người từ bỏ,
Ngài đã tỏ bày cho các môn đệ rằng, Ngài cũng sẽ thực hành sự từ bỏ: “Con
Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ,
bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.” Con đường từ bỏ của Chúa Giêsu,
nghe như một quá trình lột xác của côn trùng. Trước khi trở thành loài bướm bay
tuyệt đẹp, côn trùng phải trải qua một quá trình đầy hy
sinh, buông bỏ và tự hủy để lột xác. Quả là không dễ, nhưng không có
một con đường nào khác! Chính vì thế,
không phải chỉ có Kitô giáo mới mời gọi các Kitô hữu từ bỏ, các tôn giáo khác
cũng mời gọi tín đồ của họ như thế. Cũng
chẳng phải chỉ có tôn giáo mới mời gọi các tín đồ từ bỏ, mọi lãnh vực trong
cuộc sống như thể thao, âm nhạc, học vấn, mọi ngành nghề, đâu đâu người ta cũng
đòi hỏi phải từ bỏ, phải hy sinh để có thể đạt được những gì mình muốn như, một
huy chương vàng, một học vị cao, một bằng sáng chế, một mức lương cao… Nhưng tất cả những thứ thành đạt này cũng chỉ
là những thành đạt chóng qua; bởi, rồi đây, mọi sự cũng sẽ qua đi, và tôi cũng sẽ
hoàn toàn tay trắng khi tôi nhắm mắt lìa đời.
Chúa Giêsu nói đến sự thành đạt cao nhất, trường cửu nhất, đó là sự sống
đời đời, đó là Nước Trời, đó là sự sống trong Thiên Chúa, không chỉ có giá trị
trong cuộc đời này mà còn trường cửu ở đời sau.
Phần thưởng càng cao, hy sinh càng phải nhiều. Tôi đón nhận lời dạy của Chúa Giêsu như thế
nào? Tôi chấp nhận hay từ chối? Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu về cảm nghĩ của
tôi.
2.
Sau khi nói chuyện với các môn đệ, Chúa Giêsu quay qua đám đông, Ngài
nói: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính
mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống
mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng
sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là
thiệt thân, thì nào có lợi gì?” Lưu
ý, Chúa Giêsu mời gọi tôi phải vác thập giá của tôi, không phải vác thập giá
của Chúa, cũng chẳng phải vác thập giá của tha nhân. Có một cái gì rất sâu trong cách nói
này. Thập giá của tôi thì luôn luôn có
bên tôi, khi ngủ cũng như khi thức, tôi phải luôn sẵn sàng để vác trong mọi
lúc. Đồng thời, để có thể vác được thập
giá của Chúa hay thập giá của tha nhân, có lẽ trước hết tôi hãy vác giỏi thập
giá của tôi. Một khi tôi vác giỏi
thập giá của tôi, chắc chắn những người khác cũng được nhờ, và cảm thấy thập
giá của họ cũng được nhẹ đi. Thập giá
của tôi đó chính là những thói hư tật xấu, những bất toàn của tôi, tôi chẳng
vác, chẳng dám đối diện và chấp nhận, tôi đặt lên vai người khác, bắt họ phải
vác, khiến họ không tài nào vác nổi. Mùa
Chay là thời kỳ mời gọi tôi phải từ bỏ, phải vác thập giá của tôi.
Tôi quyết tâm như thế nào trong Mùa Chay năm nay? Quyết tâm của tôi có thể như cây mỗi mùa thu đến rụng đi mọi lá, để có thể có những lá non mới làm sống dậy cả mùa xuân, làm cho cuộc
đời này tràn đầy sức sống chăng? Tôi
ngồi bên Chúa trong giây phút này và nói với Ngài quyết tâm từ bỏ của tôi, bắt
đầu từng việc một, bắt đầu từ việc nhỏ nhất, dễ nhất, chẳng hạn: Tối hôm nay,
thay vì coi Tv hoặc lướt mạng đến khuya, tôi quyết tập một thói quen mới, đi
ngủ sớm để thức dậy sớm, để có một tâm hồn tươi mới và khỏe mạnh; hoặc, tôi có
thể tập làm theo những lời khuyên của ĐGH Phanxico khuyên mọi Kitô hữu trong Mùa Chay: “Chay tịnh lời gây tổn thương, tập nói lời
tử tế. Chay tịnh sự buồn chán, tập lấp
đầy lòng bằng sự biết ơn. Chay tịnh sự tức
giận, tập lấp đầy lòng bằng sự kiên nhẫn. Chay tịnh thói bi quan, tập lấp đầy lòng bằng niềm
hy vọng. Chay tịnh mọi lo âu, tập trông
cậy ở Chúa. Chay tịnh thói càm ràm, tập
chiêm niệm sự giản đơn. Chay tịnh những áp
lực, tập sống đời cầu nguyện. Chay tịnh sự
cay cú, tập lấp đầy lòng bằng một trái tim vui cười. Chay tịnh sự ích kỷ, tập chia sẻ với tha nhân.
Chay tịnh sự hận thù, tập sống hòa giải.
Chay tịnh trong nói năng, tập giữ thinh
lặng để trở thành người biết lắng nghe.”
Phạm Đức Hạnh, SJ
No comments:
Post a Comment